Thu hồi và bồi thường thu hồi đất không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, hiện nay, sức nóng của vấn đề này đang trên đỉnh điểm, nhất là khi Luật Đất đai đã có dự thảo mới. Các chuyên gia cho rằng việc thu hồi đất để thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, nhà ở thương mại trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần cụ thể hơn nữa theo đúng tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW.
“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp” – bà Trịnh Thị Thanh Bình, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ – pháp luật Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre phát biểu tại Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức (Theo Diễn đàn doanh nghiệp).
Cụ thể, bà Trịnh Thị Thanh Bình cho hay, việc thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội trong đó có thu hồi đất để thực hiện khu đô thị được ghi trong Luật Đất đai năm 2013 đã mở ra việc phát triển đô thị. Thế nhưng trong thực tế tình trạng thu hồi đất để thực hiện các dự án này rất phức tạp.
Trong khi đó, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hoá, kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra (Theo Diễn đàn doanh nghiệp).
Một vấn đề khác trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi được bà Cao Xuân Thu Vân – phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – nêu tại hội nghị là vấn đề tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, phát huy tối đa nguồn lực từ đất đai.
Theo bà Vân, khi cho phép sử dụng một tỉ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ, tức diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm do một phần đất nông nghiệp đã chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp (Theo nhadat.tuoitre.vn).
“Không lĩnh vực nào lợi nhuận cao như thu hồi đất để làm các khu đô thị. Không lĩnh vực nào người dân chịu bất công khi bị thu hồi đất để làm các khu đô thị, khu dân cư theo dự án của doanh nghiệp” – bà Trịnh Thị Thanh Bình cho hay.
Trong một chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội phân tích quy định về đền bù giải phóng mặt bằng được tập trung trong Điều 62 (Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng) và Điều 73 (Sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh) của Luật Đất đai 2013.
Theo ông Điệp, việc phân định giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia trở nên mơ hồ tạo thành khoảng trống, địa phương, doanh nghiệp gắn dự án với tính chất là “phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia”, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do Nhà nước thực hiện theo khung giá Nhà nước, thấp hơn nhiều so với giá thị trường mà đáng lẽ ra doanh nghiệp phải đền bù, “lách luật” hưởng khoản chênh lệch địa tô hàng trăm % đó (Theo Diễn đàn doanh nghiệp).
Tiếp thu ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định các ý kiến đóng góp sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc.
Đặc biệt, những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai, chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.
Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết các ý kiến tại hội nghị đều ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã chuẩn bị dự án Luật đất đai (sửa đổi) công phu, bài bản, khoa học, bám sát nội dung nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; bám sát thực tiễn và tuân thủ Hiến pháp, cơ bản tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn.
Nhìn nhận thực tiễn xảy ra nhiều vụ tranh chấp liên quan tới đất đai. Theo thống kê, 80% các vụ án hành chính hiện nay là thuộc về lĩnh vực đất đai. Việc đảm bảo quyền lợi cho người dân là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp. Vì vậy, giải pháp xử lí của cơ quan có thẩm quyền cần khách quan và bám sát thực tế, hạn chế tối đa các vụ tranh chấp.
Quý khách cần tư vấn nhiều hơn, hãy để lại thông tin ngay bên dưới: