Đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật Việt Nam. Trong xu thế hiện nay, việc thuê nhà, thuê trọ ngày càng nhiều. Bên thuê chủ yếu là dân cư ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Để bảo đảm quyền và lợi ích của mình, bên cho thuê thường đặt ra chế định về tiền cọc khi thuê nhà, thuê trọ. Tuy nhiên, cũng chính vì khoản tiền thu được này, nhiều chủ nhà tìm mọi cách để chiếm đoạt. Vậy làm thế nào để đòi lại tiền cọc?
Là khoản tiền mà bên đặt cọc sẽ giao cho bên nhận đặt cọc
Chế định đặt cọc được quy định tại Điều 328 BLDS 2015, cụ thể:
“Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, có thể hiểu tiền cọc là tài sản mà các bên sử dụng để thực hiện việc đặt cọc, đảm bảo giao kết một hợp đồng nào, là khoản tiền mà bên đặt cọc sẽ giao cho bên nhận đặt cọc.
Tiền cọc được coi là tài sản đảm bảo để bên thuê thực hiện nghĩa vụ của mình.
Khi bạn thuê nhà hay thuê trọ, bạn sẽ kí với bên cho thuê một bản hợp đồng: Hợp đồng thuê.
Hợp đồng sẽ chứa đựng các điều khoản cần thiết, ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong đó, quyền của bên này sẽ là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Sẽ có điều khoản về đặt cọc. Bên thuê sẽ phải đặt cọc cho bên cho thuê 1 khoản tiền nhất định. Số tiền này được coi là tài sản đảm bảo để bên thuê thực hiện nghĩa vụ của mình.
VD: Bên thuê cam kết thuê nhà trên 6 tháng. Nếu không đảm bảo thuê đủ 6 tháng trở lên, bên cho thuê sẽ không hoàn lại tiền cọc.
Gửi đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Tòa án cấp Huyện nơi có bất động sản
Thứ nhất, xác định rằng bạn không vi phạm hợp đồng. Hoặc việc bạn vi phạm hợp đồng là do chủ nhà cố tình gây khó dễ cho bạn.
Thứ hai, các bên có kí với nhau hợp đồng thuê, trong đó có xác nhận về việc bên cho thuê đã nhận đặt cọc của bên thuê. Hoặc có bằng chứng về việc bên thuê đã đặt cọc cho bên cho thuê.
Khi đã đảm bảo 2 yếu tố trên, để đòi lại tài sản là tiền đặt cọc, trước tiên bạn cần thương lượng với chủ nhà về nghĩa vụ bên cho thuê nhà phải trả lại tiền đặt cọc. Trong trường hợp bên cho thuê không đồng ý, bạn có thể gửi đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Tòa án cấp Huyện nơi có bất động sản (tức là nơi có nhà cho thuê) để được giải quyết.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của WorldLand về vấn đề đòi lại tiền cọc. Hi vọng bạn sẽ tìm được một nơi ở ưng ý và một chủ nhà có tâm.